Chiều 11/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Công nghệ và Nhân văn- Đại học quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học Đánh giá Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghệ 4.0”.
Theo Bộ KH&CN, nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25. Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã triển khai hoạt động được hơn 5 năm.
Nhằm đánh giá một số kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn 2019-2023 và định hướng giai đoạn đến năm 2030; Ban Chủ nhiệm chương trình, phối hợp với Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, cùng các đơn vị chức năng tiến hành tổ chức buổi Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó giao Bộ KH&CN nhiệm vụ “Tập trung xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Thực hiện chỉ đạo tại Chỉ thị số 16 và được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/9/2018, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Sau hơn 5 năm triển khai, với nỗ lực của Ban Chủ nhiệm Chương trình và các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, Chương trình đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, việc triển khai Chương trình cũng gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có sự đánh giá nghiêm túc để định hướng cho việc triển khai giai đoạn tới.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình, Bộ trưởng đề nghị cần bám sát nhu cầu thực tiễn và các định hướng của Đảng và Nhà nước; đồng thời phải đảm bảo được tính kế thừa, phát huy được điểm mạnh của Chương trình ở giai đoạn vừa qua; tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; hỗ trợ phát triển và đổi mới các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần có các nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, xây dựng và cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thời gian qua, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có các thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng và triển khai các công nghệ của công nghiệp 4.0 (cụ thể như công nghệ trí tuệ nhân tạo). Do đó, Chương trình cũng cần có các nghiên cứu về các bộ quy tắc về đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0, các công cụ hỗ trợ thực hành và đánh giá việc áp dụng các bộ quy tắc đạo đức và trách nhiệm… để tạo thuận lợi, chủ động tham gia CMCN 4.0; đồng thời phòng ngừa, ứng phó các tác động tiêu cực đến xã hội, con người Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TL |
Đánh giá về các chương trình khoa học trọng điểm, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết, thực tế số lượng các đề tài từ Đà Nẵng trở vào Nam tham gia chương trình còn khiêm tốn. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu, khả năng thu hút đầu tư xã hội của các viện trường phía Nam và số sản phẩm giành giải cao ở khu vực này lại rất lớn, phát triển sôi động.
Từ đó, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề xuất cần cải tiến thủ tục hành chính để các nhà khoa học có thể nộp hồ sơ trực tuyến. “Vì nếu nộp bằng giấy sẽ làm chậm quá trình đăng ký đề tài, đặc biệt là nhà khoa học ở phía Nam. Đặc biệt, về đầu ra nghiên cứu, các công trình cũng cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể để sản phẩm có sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực công nghệ nền tảng của CMCN lần thứ tư ngày càng được quan tâm phát triển trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Trung Quốc...
Với sự “bùng nổ” của công nghệ AI đặt ra một số vấn đề trong nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay như: Chuẩn mực về đạo đức, pháp luật trong các nghiên cứu mới về AI; AI tạo ra nhiều nghề nghiệp mới, nhưng cũng có nhiều nghề mất đi, vì vậy cần có các nghiên cứu các chính sách tác động của AI nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong quá trình phát triển và những định hướng ứng dụng, phát triển AI trong tương lai.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã báo cáo và trình bày tham luận về Ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp dữ liệu địa chất, đánh giá triển vọng của dầu khí; Giới thiệu hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng không khí trên cơ sở thu nhận tích hợp dữ liệu đa nguồn, thí điểm cho một đô thị lớn; Ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp tại Việt Nam…/.