image bannerimage banner
Giữ gìn nghề làm hương truyền thống
Lượt xem: 652
Nam Định từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương. Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, nghề làm hương trầm với các thương hiệu “hương Hàng Giấy”, hương trầm Thuận Xương ở các phố nghề thuộc Thành Nam xưa như: Hàng Giấy (nay là phố Hoàng Văn Thụ); Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) đã nức tiếng gần xa.

 

anh tin bai

1. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều công đoạn đã được máy móc thay thế. 2. Công đoạn đóng gói sản phẩm. 3. Những ngày thời tiết nồm ẩm, mưa rét, các cơ sở sản xuất hương phải dùng lò sấy hương. 4. Các nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng và pha trộn theo tỷ lệ nhất định.

 

Ngoài 10 hộ ở các phố Hoàng Văn Thụ, Minh Khai vẫn duy trì sản xuất, nghề làm hương trầm truyền thống còn phát triển ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh… Thời điểm cực thịnh, ở thành phố Nam Định đã từng hình thành hợp tác xã làm hương quy tụ vài chục hộ và hàng trăm thợ làm theo phương pháp truyền thống. Qua thời gian, hợp tác xã làm hương và nghề hương trầm ở phố Hàng Giấy không còn, thợ làm hương đã tản mát nhưng vẫn duy trì và phát triển giữ nghề rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh.

anh tin bai

Những ngày thời tiết nồm ẩm, mưa rét, các cơ sở sản xuất hương phải dùng lò sấy hương.

 

Gia đình bà Lê Thị Xuyến ở phố Minh Khai tiếp nối nghề làm hương từ gia đình từ những năm 1980. Hương của gia đình bà được làm hoàn toàn bằng những nguyên liệu thảo mộc tự nhiên nên có mùi hương đặc trưng và không gây hại cho người dùng. Trước đây, do thị trường ưa chuộng hương truyền thống nên việc làm hương của gia đình bà rất ổn định, làm quanh năm. Ngoài những thành viên trong gia đình còn luôn có 3-4 người làm, cho thu nhập ổn định. Bà Xuyến cho biết: “Ở khu phố tôi ở có nhiều nhà làm hương truyền thống và các công đoạn làm hương thì đều giống nhau, từ phơi khô, nghiền thảo mộc, sau đó pha chế hương liệu. Tuy nhiên việc pha chế hương liệu chính là mấu chốt của quy trình làm, tạo sự khác biệt, đặc trưng của từng hộ sản xuất. Nên việc làm các công đoạn khác có thể có nhiều người làm, nhưng việc pha chế chỉ có một người duy nhất, thường là chủ hộ. Công thức này sẽ được trao truyền cho thế hệ kế tiếp trong gia đình để giữ bí quyết riêng”.

anh tin bai

Nghề làm hương đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cần mẫn.

 

Để làm ra mẻ hương đạt tiêu chuẩn còn phải kể đến công đoạn phơi. Trong đó nắng tự nhiên luôn là ánh sáng hoàn hảo nhất cho những mẻ hương tốt. Chỉ khi thời tiết âm u kéo dài mới phải đem hương vào lò sấy. Thường người làm nghề không ai muốn chọn cách này, vì sẽ làm giảm đi mùi thơm đặc trưng của hương. Hiện nay, tuy đã có máy móc làm trong nhiều công đoạn nhưng gia đình bà Xuyến vẫn chọn cách phơi nắng tự nhiên. Vì vậy, bà chỉ tập trung làm trong 5-6 tháng hè thu. Nghề hương truyền thống, ngoài việc phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết còn đòi hỏi tính tỉ mỉ, cận trọng, chính xác trong từng công đoạn từ phối, chế nguyên liệu, nghiền thành bột rồi đến các khâu “nhúng”, “vê”.

anh tin bai

Hiện nay, tuy đã có máy móc hiện đại nhưng nhiều cơ sở sản xuất vẫn tận dụng phơi nắng tự nhiên.

 

Để có được nén hương thơm trước hết phải tinh tế từ khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính để làm hương gồm 10-30 loại thuốc bắc như: đinh hương, cam thảo, tế tân, quế chi, đan bì, địa liền, đại hoàng, mộc hương, xương truật, trầm hương, củ khung và các phụ gia có tác dụng kết dính như nhựa trám, nhựa thau… Mỗi loại nguyên liệu phải bảo quản sạch sẽ, thơm tho để lưu giữ mùi thơm đặc trưng của từng vị. Công đoạn đầu tiên là phải cân đo, đong đếm tuyệt đối chính xác tỷ lệ các loại nguyên liệu, sau đó được trộn theo đúng trình tự từng vị rồi mới đem nghiền nhuyễn thành bột. Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, bột được “luyện” nhuyễn với nước và phụ gia.

anh tin bai

Bà Lê Thị Xuyến, chủ cơ sở sản xuất hương ở phố Minh Khai (TP Nam Định)
tranh thủ những ngày  trời nắng để phơi hương.

 

Trước kia, khi chưa có các máy móc hiện đại, người thợ tạo ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn bằng tay từ công đoạn vuốt, xe tăm hương đến nhúng, kết dính hương vào tăm... nên năng suất còn thấp. Mỗi ngày, bình quân một thợ lành nghề chỉ vê được từ 8-10 nghìn nén hương. Khoảng chục năm trở lại đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều công đoạn đã được máy móc thay thế. Thông qua máy kết dính đã cho ra số lượng hàng chục cây tăm mỗi phút, trung bình 18-20 nghìn nén/ngày, công suất gấp đôi so với sản xuất thủ công.

anh tin bai

Hương truyền thống vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ.

 

Những năm gần đây, nghề hương truyền thống của tỉnh ta phải cạnh tranh khá gay gắt với các loại hương trên thị trường, đặc biệt là loại hương “cuốn tàn”, “đậu tàn” sản xuất ở nhiều nơi theo thị hiếu của khách, thu nhập của người làm hương có giảm so với trước. Nhưng nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định gia truyền về nghề nên các sản phẩm hương truyền thống trong tỉnh vẫn được thị trường ưa chuộng./.

       Theo baonamdinh.vn

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH
Địa chỉ: số 55 đường Vị Hoàng, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định
Điện thoại: 0228.3849308 - Fax: 0228.3840496
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp ngày 16/5/2018
Email: trangthongtintinhuy@namdinh.gov.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nam Định" khi phát hành lại thông tin từ website này!

Chung nhan Tin Nhiem Mang