image bannerimage banner
Các giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Lượt xem: 726
Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 được công bố tháng 4-2024 cho thấy, tăng trưởng kinh tế là một trong ba vấn đề (sau đói nghèo và việc làm) người dân đặc biệt quan tâm, mong muốn chính quyền cần tập trung ưu tiên giải quyết nhất trong năm tiếp theo. Tình hình kinh tế nhiều khó khăn trong năm 2023 có thể lý giải cho nguyện vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của người dân. Mong muốn này được đánh giá là phù hợp và hoàn toàn tương đồng với nhiệm vụ trọng tâm đã được tỉnh ta nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ kể từ giai đoạn sau xảy ra đại dịch COVID-19 cho đến nay.
Doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc tìm hiểu các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

 

Trong đó, tỉnh đã nỗ lực thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Quốc hội với nhiều kết quả tích cực. Nhằm đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, người dân, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung bình từ 0,5-2%/năm... Trong 2 năm 2022 và năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ 40,696 tỷ đồng lãi suất đối với 48.496 món vay theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; cho 5.207 khách hàng vay 417, 275 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm; đã cho 7 doanh nghiệp vay 1.357 triệu đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho 552 hộ gia đình, 976 học sinh sinh viên vay 9,760 tỷ đồng; cho 19 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay 1,520 tỷ đồng; cho 237 khách hàng vay 112,180 tỷ đồng để mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại đã cho 1 doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản vay 111,8 tỷ đồng theo Chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng (lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ). Đã giãn, hoãn, giảm áp lực trả nợ vay ngân hàng cho 71 khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu lại là 752.752 triệu đồng. Trên toàn tỉnh còn thực hiện giải ngân trước ngày 31-8-2022 cho 1.518 người với tổng số tiền hơn 2,382 tỷ đồng ngay khi có các Quyết định phê duyệt theo Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giúp cho doanh nghiệp đảm bảo ổn định lực lượng lao động, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đã giải ngân hơn 1,934 tỷ đồng cho 1.291 người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc; hỗ trợ 448 triệu đồng cho 227 người lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, giai đoạn 2022-2023, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí. Đồng thời giảm 2% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đối với 7.230 người nộp thuế, tổng số thuế giảm trên hóa đơn bán ra 1.702 tỷ đồng; hiện mức giảm này tiếp tục được áp dụng đến hết tháng 6-2024. Qua đó, giúp người nộp thuế giảm áp lực phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi các chi phí đầu vào tăng cao, nâng khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, làm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, duy trì và kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Tỉnh cũng tích cực thực hiện đồng bộ các phần việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục, triển khai đầu tư và thi công 5 dự án gồm: Đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 66 Trạm y tế tuyến xã; xây dựng, nâng cấp, cải tạo các cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh; xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng số vốn thông qua kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.032,3 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, 5 dự án này tiếp tục được tỉnh tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, để có thể sớm hoàn tất, đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách, thúc đẩy đầu tư công và nỗ lực thu hút đầu tư.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn từ năm 2022 đến nay, nhờ thực thi hiệu quả chính sách tài khoá, tiền tệ, thu hút đầu tư, thúc đẩy xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh đã góp phần giúp tỉnh đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu; đồng thời tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại, tính tự chủ trong trung hạn, dài hạn. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 ước đạt 55.565 tỷ đồng, tăng 17,0% so với năm trước. Hoạt động đầu tư và xây dựng quý I năm 2024 đạt mức tăng khá, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 11.784 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước; trong đó, nguồn vốn đầu tư công được ưu tiên bố trí xây dựng các công trình trọng điểm, có quy mô thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng như: tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II), Bệnh viện Đa khoa tỉnh... Thông qua việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án, tạo thêm việc làm cho ngành xây dựng và các ngành liên quan; về lâu dài sẽ tạo động lực mới, năng lực phát triển mới cho các ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2023 và quý I-2024 tiếp tục có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư tại Nam Định, tạo cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án (bao gồm 39 dự án đầu tư trong nước và 20 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 2.412 tỷ đồng và 332 triệu USD. Trong quý I-2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 6 dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 79,2 triệu USD. Đặc biệt, nhiều dự án quy mô lớn đi vào đầu tư trong năm 2023, đã được các chủ đầu tư nỗ lực thúc đẩy tiến độ thi công xây dựng hạ tầng nhà xưởng, sẽ sớm đi vào sản xuất ngay trong năm 2024; mở ra hàng loạt cơ hội việc làm cho nhiều người lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước, gia tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Quy mô kinh tế năm 2023 của tỉnh cán mốc 100 nghìn tỷ đồng, đạt 103.596 tỷ đồng, tăng 13,41% so với năm 2022; đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 9/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 theo giá so sánh 2010 ước đạt 58.253 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2022, là mức tăng cao trong vùng (3/11) và cả nước (6/63). Kinh tế tỉnh Nam Định quý I-2024 tăng trưởng 7,07% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng bình quân chung của toàn quốc, xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và 14/63 cả nước.

Nhằm gia tăng các kết quả thiết thực hướng đến nguyện vọng của người dân cũng như tiếp tục bứt phá để về đích kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và có nền tảng để tạo bước phát triển bền vững trong giai đoạn sau, 9 tháng cuối năm 2024, tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng tập trung hơn nữa cho nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cần phải tập trung vào những mũi nhọn tăng trưởng, tiếp tục ưu tiên, củng cố và thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính, đó là 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đối với đầu tư, đặc biệt quan tâm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bởi đây là một nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, các dự án trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có vai trò động lực giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra các dự án mới và cơ hội việc làm, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024. Tiếp đó là không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nội tỉnh chi tiêu vào hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp tạo thêm việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đối với hoạt động tiêu dùng, tăng cường chính sách tiền tệ theo hướng tăng cung tiền mặt trong nền kinh tế, giảm lãi suất làm giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; từ đó thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và mua sắm, đồng thời tạo ra sự kích thích trong hoạt động kinh tế tổng thể. Đối với thúc đẩy xuất khẩu, tiếp tục phục hồi, phát triển mạnh những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhất là công nghiệp chế tạo, chế biến; đặc biệt chú trọng hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn sẽ đưa dự án đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu vào hoạt động trong quý III, quý IV năm nay góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục cơ cấu lại các khu vực nông nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao gắn với phát triển thị trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch.

Bằng việc thực hiện hiệu quả các biện pháp nêu trên, tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 9,5-10,5% so với năm 2023./.

TheoBaoNamDinh.VN

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH
Địa chỉ: số 55 đường Vị Hoàng, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định
Điện thoại: 0228.3849308 - Fax: 0228.3840496
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp ngày 16/5/2018
Email: trangthongtintinhuy@namdinh.gov.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nam Định" khi phát hành lại thông tin từ website này!

Chung nhan Tin Nhiem Mang