Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá ngay trước thời điểm tăng lương
Lương thực là một trong những mặt hàng đã tăng giá trước thời điểm tăng lương (Quầy hàng lương thực tại chợ đầu mối Mỹ Tho, thành phố Nam Định).
Bên cạnh tâm lý phấn khởi, háo hức chờ tăng lương của bộ phận hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì đa phần người dân e ngại bởi giá bán của hầu hết các loại hàng hàng hóa cũng sẽ “nối gót” tăng theo, thậm chí tăng trước như một số lần điều chỉnh lương trước đây. Trước băn khoăn của người dân và thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp quản lý giá, ổn định thị trường để việc tăng lương không gánh theo áp lực tăng giá hàng hóa.
Hàng hóa rục rịch tăng giá
Tình trạng giá hàng hóa trên thị trường tăng theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu... Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 4,26% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tổng số 11 nhóm hàng hóa thiết yếu có tới 7 nhóm tăng là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,9%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,14%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,29%. 3 nhóm hàng hóa giữ ổn định và giảm là dịch vụ viễn thông, vật liệu xây dựng và xăng dầu, chất đốt do ảnh hưởng trực tiếp của mặt bằng giá cả thế giới và tỷ giá USD. Tuy nhiên chỉ đến giữa tháng 6/2024 nhóm hàng vật liệu xây dựng lại tiếp tục có thông báo tăng giá đến từng đại lý và khách hàng.
Ghi nhận tại các chợ dân sinh, cửa hàng chuyên doanh thì giá bán nhiều loại hàng hóa liên tục tăng. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm như thịt lợn, gạo, trứng, sữa, đồ công nghệ phẩm, hóa mỹ phẩm và các loại rau, củ, quả đã tăng giá từ 5-10% tùy theo từng sản phẩm. Đơn cử như giá thịt lợn liên tục tăng theo tháng và đạt mức tăng khoảng 30% so với đầu năm 2024; giá trứng gia cầm cách đây nửa tháng khoảng 25-27 nghìn đồng/chục thì nay lên 30-32 nghìn đồng/chục; rau xanh tăng từ 1,5 đến 2 lần...
Theo các nhà quản lý thì yếu tố cấu thành giá không phụ thuộc vào việc tăng lương. Tuy nhiên bức tranh giá cả thị trường hiện nay cho thấy ngoài một số nhóm hàng hóa tăng do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, biến động của tỷ giá USD thì rất nhiều mặt hàng tăng giá do yếu tố tâm lý lợi dụng việc tăng lương. Cụ thể như giá gạo ăn thông thường sau một thời gian tăng mạnh, hai tháng gần đây chững lại và giữ ở mức xung quanh 200 nghìn đồng/yến, song hiện nay cũng nhích lên mặc dù đang ở thời điểm thu hoạch vụ lúa xuân, nguồn cung trong tỉnh và trong nước đang rất sẵn. Giá trứng gia cầm cũng tăng trong khi giá thức ăn chăn nuôi giữ nguyên trong vài tháng trở lại đây. Giá bán một số đồ công nghệ phẩm, hóa mỹ phẩm và các loại rau, củ, quả tăng trong khi chi phí xăng dầu phục vụ sản xuất và vận chuyển giảm hơn so với tháng trước…
Nỗ lực giữ ổn định giá
Đợt tăng lương lần này ở mức cao nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ mà ảnh hưởng đến đại đa số người tiêu dùng, do vậy các cơ quan chức năng đang tích cực thực hiện các giải pháp ngăn chặn việc tăng giá tiêu dùng bất hợp lý trong giai đoạn trước và sau khi tăng lương. Trong đó Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa cũng như tình hình cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, gạo, thực phẩm...; tiếp nhận kịp thời các văn bản thông báo hoạt động khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kích cầu tiêu dùng theo đúng quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý giá, giữ thị trường hàng hóa ở mức bình ổn, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý trên địa bàn.
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông thông suốt. Cùng với việc kiểm soát giá cả, các ngành chức năng tập trung thúc đẩy sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến, đặc biệt đối với các mặt hàng chiến lược như: Xăng dầu, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng…
Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên, nhiên liệu thiết yếu đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Các kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, tiêu thụ hiệu quả hàng hóa, nông sản cho người tiêu dùng, góp phần đáng kể cho việc bình ổn giá thị trường, hạn chế tối đa việc lợi dụng tăng lương để tăng giá hàng hóa đột biến.
Theo baonamdinh.vn