image bannerimage banner
Gặp những thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Lượt xem: 94
Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhà thơ Tố Hữu ngoài miêu tả bức chân dung rực rỡ của tập thể những người chiến sĩ Điện Biên còn dành những câu thơ trang trọng để miêu tả về hình ảnh của những thanh niên xung phong (TNXP), dân công hoả tuyến làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ: “Những bàn tay xẻ núi, lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện… Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát”… Để hôm nay, chúng tôi may mắn được gặp, nghe những “anh, chị” TNXP, dân công ấy kể về quãng thời gian “xẻ núi, lăn bom” ở Điện Biên Phủ.
Cựu thanh niên xung phong Lê Khôi, phố Đỗ Huy Liêu (thành phố Nam Định).

Đã 97 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Vân, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) vẫn còn rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh. Bà Vân hầu như nhớ rõ những sự kiện “trọng đại” trong cuộc đời mình. Bà kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, gia đình tôi là cơ sở chuyên nuôi giấu du kích. Trước 18 tuổi tôi đã nhận nhiệm vụ theo dõi bọn giặc tề, sau đó tham gia công tác phụ nữ ở xã. Năm 1948, khi đang ở nhà, tôi bị lính bắt đi đội thóc lên Đò Quan (thành phố Nam Định) và bị giam 26 ngày. Sau đó chúng còn bắt tôi ra đồng làm ruộng. Nhân lúc sơ hở, tôi đã bỏ trốn được về nhà. Đầu năm 1952, tôi xung phong đi dân công hoả tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”. Chúng tôi hỏi bà Vân, lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ xa nhà lại xông pha vào chiến trường nguy hiểm, bà có sợ không?. “Tôi không sợ gì hết, chỉ thấy đi dân công hoả tuyến rất vui, được gặp các anh, chị em ở khắp mọi miền Tổ quốc, được sống, chiến đấu trong tình cảm bạn bè, đồng đội, đồng chí thắm thiết nghĩa tình”, bà Vân vui vẻ trả lời.

Và rồi, ký ức của bà đưa chúng tôi đến với những cung đường hành quân, phục vụ chiến đấu không kém phần gian khổ, khốc liệt. “Ấn tượng đầu tiên của tôi trong những ngày đào đất, đắp đường cho bộ đội tiến quân vào Điện Biên Phủ là... đói. Lúc này, cả dân tộc dồn ưu tiên lương thực, thực phẩm cho bộ đội đánh giặc nên chúng tôi cũng không ngoại lệ. Để no bụng, các anh chị em dân công vào rừng hái măng, rau dại ăn cầm chừng. Thương dân công, đồng bào còn tiếp tế thêm khoai, sắn chống đói”, bà Vân kể. Không chỉ có “giặc đói”, bà Vân cho biết quá trình làm nhiệm vụ còn thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. “Chiến trường Điện Biên Phủ rất khốc liệt, vì vậy bộ đội nói chung, các lực lượng phục vụ chiến đấu nói riêng đều đối mặt với nguy hiểm, sinh tử khi tham gia chiến trường. Tôi nhớ trong 3 tháng vác đất mở đường, hầu như ngày nào chúng tôi cũng chứng kiến cảnh máy bay quần thảo trên trời, đạn bắn rát trước mặt. Và cũng đã có rất nhiều TNXP, dân công hoả tuyến ngã xuống, máu nhuộm đỏ bùn đất khi làm nhiệm vụ. Chứng kiến cảnh nhiều anh chị em, bạn bè, đồng chí ngã xuống, ngọn lửa căm thù giặc Pháp càng cháy bỏng trong tim chúng tôi, biến thành sức mạnh để cùng với các lực lượng khác chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù”, bà Vân cho biết thêm. Mặc dù làm nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, tuy nhiên những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi như bà Vân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời xa đội ngũ. “Bản thân tôi luôn xác định, khi nào chiến thắng, đánh xong giặc Pháp mới về”, bà Vân kể. Sau 3 tháng phục vụ chiến đấu, bà Vân về địa phương, tiếp tục tham gia công tác phụ nữ, công tác Đảng trong nhiều năm.

Mặc dù mới xuất viện hôm trước nhưng khi nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về quá trình tham gia phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, ông Lê Khôi, cựu TNXP, số nhà 19, phố Đỗ Huy Liêu (thành phố Nam Định) như quên hết mọi mỏi mệt. Ông kể liền mạch, rõ ràng từng giai đoạn của cuộc đời, đặc biệt là thời gian ở mặt trận Điện Biên Phủ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, hầu hết các anh chị em của ông đều xung phong đi bộ đội. Năm 16 tuổi, ông Khôi gia nhập lực lượng TNXP, tại đơn vị C293, Đội 35 phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trên các tuyến đường Cò Nòi, Pha Đin, Tuần Giáo. Nhiệm vụ của đơn vị ông là đào đường, cán tải thương binh và phá bom, trong đó chống bom nổ chậm là chính. Trong suốt 3 năm phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ, ông Khôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là khoảng thời gian đầu năm 1954, khi chiến sự ở Điện Biên Phủ diễn ra quyết liệt, trong một lần làm nhiệm vụ tại Đèo Pha Đin, có 11 chiếc xe ô tô của quân ta chở đạn dược, vũ khí được lệnh đi ban ngày thì bị Pháp phát hiện, đánh phá. Vượt qua tầng tầng mưa bom bão đạn, đoàn xe vẫn cứ đi. Và giữa những lần ngưng tiếng súng ngắn ngủi, ông Khôi cùng các chiến sĩ TNXP khác trong đơn vị đã ào lên trên xe vác đạn xuống. Cùng với sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, đoàn xe sau đó đã vượt đèo thành công. Tuy nhiên, đơn vị của ông Khôi cũng không tránh khỏi thương vong. “Anh em, đồng chí ngã xuống nhưng chúng tôi không sợ. Không sợ là bởi chúng tôi có niềm tin vào lý tưởng mình đang theo đuổi, quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu có đồng chí, đồng đội ở bên”, ông Khôi hồi nhớ.

Cũng trong thời gian phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ, ông Khôi còn nhớ lần bị thương vào đầu ở ngã 3 Cò Nòi, nơi được mệnh danh là “túi đạn” của Điện Biên Phủ. Khi ấy, ông đang san lấp đường thì quả bom bên kia đường phát nổ, mảnh bom găm vào đầu, ông ngất ngay tại chỗ. Đồng đội phát hiện ra vội cõng ông đi cấp cứu. Dưỡng thương vài tuần, ông Khôi quay trở lại đơn vị, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi vang dội, ông Khôi ở lại Điện Biên thu dọn, khôi phục chiến trường. Năm 1957, đơn vị ông nhận nhiệm vụ mới, mở đường chiến lược từ Lai Châu đi Kim Thuỷ Hà (Trung Quốc), nối liền viện trợ từ nước bạn sang. Tháng 7-1957, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Thương mại, đảm nhiệm chức vụ Giám đốc xí nghiệp Vận tải Thương mại Hà Nam Ninh trong 14 năm. Năm 1992, ông về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Từ năm 1997, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh trong 3 khoá liên tiếp. Tri ân công lao, đóng góp của ông Khôi, Đảng, Nhà nước đã tặng ông nhiều danh hiệu cao quý: Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng…

Trong bài thơ “Em gái Trường Sơn”, thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết những câu thơ đầy cảm xúc về các cô gái TNXP mà ông từng gặp: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng, đứng ở bên đường/ Như quê hương vai áo bạc quàng súng trường”. Mặc dù đây là những câu thơ miêu tả về lực lượng TNXP nói chung, những cô gái TNXP làm nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ nói riêng nhưng đã khắc hoạ đầy đủ hình ảnh, nhiệm vụ và cả tình cảm của quân và dân ta đối với lực lượng đặc biệt này. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay (7-5-1954 - 7-5-2024) hai nhân vật dân công hoả tuyến và TNXP mà chúng tôi gặp đều để lại những cảm xúc rất đặc biệt. Họ tự hào với những năm tháng tuổi xuân rực rỡ đã dành hết cho chiến trường. Bởi họ chính là: “Em là người thanh niên xung phong. Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn. Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm. Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công”./. 

Theo BaoNamDinh.VN

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH
Địa chỉ: số 55 đường Vị Hoàng, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định
Điện thoại: 0228.3849308 - Fax: 0228.3840496
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp ngày 16/5/2018
Email: trangthongtintinhuy@namdinh.gov.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nam Định" khi phát hành lại thông tin từ website này!

Chung nhan Tin Nhiem Mang