image bannerimage banner
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 69
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng ĐBSH bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo và không gian biển của 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Quy hoạch: ĐBSH là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước; là trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSH là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Các ngành công nghiệp phát triển với công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mới, công nghệ cao và chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao. Phát triển hệ thống đô thị vùng theo hướng xanh, thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng sống đô thị cao, có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

ĐBSH sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 2 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng phía Bắc sông Hồng (gồm 7 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc), tiểu vùng phía Nam sông Hồng (gồm 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) với 1 vùng động lực quốc gia (bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh); 4 cực tăng trưởng (gồm Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng); 5 hành lang kinh tế, trong đó có 2 hành lang kết nối quốc tế gồm hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh liên kết kinh tế với khu vực Tây Nam Trung Quốc, hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng kết nối vùng ĐBSH với tiểu vùng Đông Bắc với Trùng Khánh, Trung Quốc và có 3 hành lang kết nối vùng gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, từng bước hình thành hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội.

Theo Quy hoạch vùng, Nam Định nằm trong tiểu vùng phía Nam sông Hồng; được định hướng tổ chức phát triển: Các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số lĩnh vực dịch vụ như vận tải, kho bãi và nhất là dịch vụ du lịch kết nối với tiểu vùng Bắc Trung Bộ; được chú trọng bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng bờ và các nguồn lợi thủy, hải sản; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển. Nam Định còn nằm trong hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình với định hướng: Phát triển ven biển kết nối các khu vực kinh tế năng động như các khu kinh tế ven biển, các khu đô thị, du lịch, nông nghiệp (nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản); tăng cường kết nối vùng với các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực phía Đông Nam Trung Quốc; thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng Nam sông Hồng, thu hẹp khoảng cách phát triển của tiểu vùng với toàn vùng và cả nước. Tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển. Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế ven biển, các trung tâm du lịch, dịch vụ logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, hình thành các cụm liên ngành trong phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp.

Phát triển các đô thị, điểm dân cư ven biển theo hướng hình thành chuỗi đô thị ven biển; bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ và phát huy giá trị các nguồn lợi từ biển; phát triển các hệ thống công trình phòng, chống thiên tai, củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, hồ đập bảo đảm chủ động phòng, chống lũ.

Để thực hiện được các quan điểm, mục tiêu Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng phải tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Rà soát nội dung Quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với Quy hoạch vùng được phê duyệt; nếu có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thì tiến hành điều chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội. Tham gia ý kiến về kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng các thành phần kinh tế tham gia thực hiện Quy hoạch vùng. Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình đánh giá việc thực hiện quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng./.

Theo BaoNamDinh.VN

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH
Địa chỉ: số 55 đường Vị Hoàng, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định
Điện thoại: 0228.3849308 - Fax: 0228.3840496
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp ngày 16/5/2018
Email: trangthongtintinhuy@namdinh.gov.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nam Định" khi phát hành lại thông tin từ website này!

Chung nhan Tin Nhiem Mang